HƯỚNG DẪN TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG ĐI DU HỌC

Du học là ước mơ chung của phần lớn các bạn trẻ muốn phát triển bản thân ngang tầm thế giới. Nhiều bạn học sinh và sinh viên chuẩn bị đi du học cảm thấy rất lo lắng về cuộc sống tự lập trên một đất nước xa lạ và bối rối không biết cần phải trang bị những gì. Nếu đã “phải lòng” ước mơ này, thì những điều sau đây không bao giờ là “thừa” nhé!

1.Trước khi lên đường
Đôi lúc việc cần cân nhắc mang những gì và không mang những gì cũng là việc đau đầu cho các bạn sinh viên quốc tế. Thông thường đối với hành trang của du học sinh thì họ sẽ gặp 3 trường hợp phân vân:

Loại 1: Tối cần thiết, không thể không mang
Loại 2: Cần thiết và cũng rất cần
Loại 3: Mang theo thì nặng, không mang thì tiếc
Do khối lượng hành lý được mang theo giới hạn, điều kiện khác biệt giữa nước ngoài và Việt Nam cùng vô số điều luật hàng không đã khiến không ít người lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Sau đây là những điều lưu ý sẽ giúp ích cho hành trang du học của bạn:

1.1 Những gì cần mang theo?

1.1.1 Tài chính
Mang theo một khoản tiền của đất nước bạn đến,nhiều hoặc ít tuỳ theo bạn đã trả tiền chỗ ở hay chưa. Bạn có thể dùng thẻ tín dụng (credit card) để trả tiền mua hàng hoá, quần áo, mua giày dép tại shop bán dép louis vuitton, đóng học phí, chi phí bảo hiểm, vé máy bay, khám chữa bệnh (trong các trường hợp không được bảo hiểm y tế trả thay), mua vé xem phim, thuê xe v.v…Khi thiếu tiến mặt đột ngột, bạn có thể dùng thẻ tín dụng để rút tiền tự động (ATM – Automatic Teller Machine) có khắp nơi. Hai loại phổ biến nhất là VISA và MASTER CARD hiện nay đã có mặt tại một số ngân hàng Việt Nam như ABBANK, ACB, VCB…Bạn có thể liên lạc tìm hiểu về các thể thức và điền kiện cấp thẻ. Chú ý là lãi suất thẻ tín dụng khá cao nên hãy sử dụng có kiểm soát.
Tiền chia ra để ít nhất 3 nơi, để trong người một ít. Tốt nhất bạn nên để sẵn 1 khoản tiền mặt để chi cho những thứ vật dụng ban đầu: nồi niêu xoong chảo, quần áo, mền, gối… và thậm chí là tiền lẻ cho phương tiện đi lại như tàu điện ngầm, xe bus… vì những trường hợp này họ ít khi dùng thẻ tín dụng

1.1.2 Vật dụng thiết yếu
Quần áo: gồm quần áo chống rét và quần áo mùa hè. Đối với quần áo mùa hè như áo thun, T-shirt, quần jean … bạn có thể mang 1 ít và mua thêm tại nước ngoài vì giá cả mặt hàng này khá rẻ, không quá khó tìm và hay có sale-off
Nhu yếu phẩm: như bàn chải, kem đánh răng, khăn, chăn, son giữ ẩm, kem chống nứt da, kim chỉ… cũng chỉ nên mang 1 ít. Sau một thời gian quen với cuộc sống bạn có thể dễ dàng mua sắm những mặt hàng này.
Giày dép: bạn nên mang khoảng 1 đôi giày xăng đan, thể thao, dép kẹp và tất đi kèm. Lựa chọn những đôi đi quen, không bị phồng chân thuận tiện cho việc đi bộ. Ngoài ra một đôi giày Tây hay cao gót cho những party của trường cũng cần thiết nếu bạn chưa quen với việc lựa chọn giày ở nước ngoài
Thuốc men: những ngày đầu mới đến do thay đổi môi trường và thời tiết, sức khỏe của bạn sẽ không ổn và rất dễ nhiễm bệnh. Mang theo một số loại thuốc cần thiết như đau bụng, giảm đau, vitamin, thuổc cảm, thuốc đau bao tử…
Đồ dùng điện tử: nồi cơm điện, máy CD, laptop, máy chụp hình, điện thoại di động (có lưu những số điện thoại quan trọng), kim từ điển, máy sấy tóc, bàn ủi, máy cạo râu…
Văn phòng phẩm, ba lô (mua loại dung tích 25 lít là vừa)
Đồng hồ đeo tay, đồng hồ báo thức, sạc, ổ chuyển điện thế (tùy theo nước sở tại).
Thức ăn cho tuần đầu tiên: thời gian đầu khi bạn chưa quen với thức ăn bản địa, đồ ăn đem theo từ Việt Nam, đặc biệt là mì gói, sẽ là “cứu tinh” của bạn

1.1.3 Giấy tờ cần thiết
Hộ chiếu (passport), Visa du học và vé máy bay còn hạn trong đó có thị thực sinh viên.
Thư nhận học, thư thông báo được cấp học bổng, biên lai đóng học phí.
Thư của đại sứ quán.
Bản gốc / bản sao có công chứng, các học bạ / bảng điểm, bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh, hình 4×6.
Các giấy tờ xác minh nhân thân như bằng lái hoặc chứng minh thư (nên dịch ra một bản tiếng Anh.
Sổ theo dõi sức khỏe, các chứng từ bệnh án (nếu có).

1.1.4 Thông tin
Thông tin về vùng sẽ sinh sống: điều kiện khí hậu, phương tiện giao thông, mệnh giá tiền tệ, giá cả, ngân hàng, bảo hiểm sức khỏe, luật pháp và tình trạng xã hội tại đó (những điều nên làm cùng những điều tối kỵ nên tránh) và thuộc lòng những cụm từ giao tiếp thông thường.
Ví dụ : tại Singapore bạn yên tâm là nước máy sạch và đủ tiêu chuẩn để uống 100%. Tuy nhiên việc mua bán chewing-gum sẽ bị phạt hành chính
Thông tin về trường sở tại: giờ giấc, khóa học, địa điểm trường (cách tại nơi bạn cư trú bao xa và có thể di chuyển bằng phương tiện gì), các CLB của trường…

1.1.5 Tâm lý, tư tưởng, tình trạng bản thân
Cần đảm bảo sức khỏe để có thể thích ứng với nước ngoài (chú ý với những bệnh lý nặng như tim, suyễn, dị ứng thời tiết,…). Đồng thời phải khám, điều trị mắt và răng thật kỹ trước khi lên đường, mang theo kính cận nếu bị bạn bị cận thị
Đừng nghĩ rằng du học là hoàn toàn thuận lợi, sung sướng, và nước đến du học là thiên đường hay miền đất hứa. Cuộc sống và học tập ở đâu cũng có những khó khăn riêng. Để tồn tại và thành công, bạn phải biết cách giải quyết các khó khăn đó về mọi vấn đề như: tiền bạc, shock văn hóa, cô đơn, học tập, tình cảm, việc làm…
Bạn phải học cách tự giải quyết vấn đề của mình, nếu không hãy chia sẻ với bố mẹ, anh chị hoặc những du học sinh khác vì họ sẽ cho những lời khuyên, cách tháo gỡ các vấn đề hợp lý.

1.2 Những gì không nên mang theo?
Súng (ngay cả súng đồ chơi) và các mặt hàng vũ khí khác như dao, kéo, pháo, bật lửa… Bất kỳ một dụng cụ hoặc vật dụng mà thông thường không được coi là vật dụng nguy hiểm nhưng có thể sẽ trở thành nguy hiểm tuỳ theo mục đích sử dụng như kẹp đá, dao cạo, kéo các loại, búa kìm…
Những chất kích thích và một số loại thuốc không nhằm mục đích chữa bệnh
Một số chất lỏng đặc biệt như nước hoa, dầu gội… vì những loại này sẽ bị nhân viên kiểm tra giữ lại qua máy soi
Ngoài ra còn một số điều mà mỗi nước sở tại ban quy định cấm, ví dụ: Singapore cấm các loại thời trang lông động vật; Australia cấm các dụng cụ từ xương, vỏ sò, đồ thủ công bằng da động vật, Canada cầm xách tay mặt hàng tươi sống…

2.Khi lên máy bay:

2.1 Những điều cần ghi nhớ trước khi lên máy bay
Photo hộ chiếu + visa để lại cho gia đình.
Đưa cho gia đình địa chỉ liên lạc của bạn ở Úc.
Để hộ chiếu, vé máy bay, tiền, thư nhận học, những giấy tờ quan trọng, 1 cây viết, thuốc cá nhân, dầu, bàn chải, kem đánh răng, 1 áo khoác nhẹ, 1 bộ đồ (đề phòng khi hành lý gởi thất lạc), máy chụp hình trong hành lý xách tay
Đóng các đồ dùng cần khai báo với Hài quan vào một túi riêng.
Để vào trong mỗi túi hành lý hai bản photo mặt trước của hộ chiếu và visa
Khóa các túi hành lý và đính lên trên tờ giấy có ghi tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của bạn tại nước ngoài
Lưu ý: Nên chọn loại vali có bánh xe đẩy, kích thước vừa phải để bạn có thể tự mang vác lên mỗi khi đi qua máy soi hành lý.

2.2 Hướng dẫn thủ tục khai báo hải quan
Cầm trên tay hộ chiếu (nên có vỏ bọc plastic bên ngoài) đi vào cổng “Ga đi quốc tế”
Làm thủ tục ký gởi hành lý và lấy: “Boarding pass” (thẻ lên máy bay) từ nhân viên hải quan.
Đi qua cổng kiểm tra hành lý xách tay và rà soát người. Nhân viên hải quan sẽ kiểm tra an ninh và đóng dấu xuất cảnh vào hộ chiếu của bạn.
Bạn đi đến cổng có số (vd: gate no.8) được đề cập trên “Boarding pass” và ngồi chờ đến gần giờ lên máy bay thì vào cổng xuất trình “Boarding pass” để lên máy bay. Bạn nhớ ngồi đúng số ghế ghi trên “Boarding pass”.
Lưu ý:
Không nên giữ giùm đồ đạc, hành lý cho người lạ mặt, cũng không nhờ người lạ nhìn giùm đồ đạc hành lý của bạn, đề phòng những người muốn tẩu hàng quốc cấm.
Nếu đây là chuyến bay đầu, bạn nên chú ý những chỉ dẫn trên bảng hướng dẫn
Tất cả hành lý nên để nhân viên Kiểm soát kiểm tra để đảm bảo theo quy định
Nên bảo quản kỷ vé kiểm soát hành lý phòng trường hợp rủi ro.
3. Khi đến nơi
3.1 Tại sân bay nước ngoài:
Ngay khi xuống sân bay, bạn cần làm những thủ tục sau:
Bạn cần hoàn tất Thẻ nhập cảnh (được phát trên máy bay).
Tại trạm kiểm soát nhập cảnh, bạn sẽ trình hộ chiếu, thẻ nhật cảnh, đôi khi cả thư nhập học. Sau khi kiểm tra, tất cả giấy tờ đều được trả lại trừ thẻ nhập cảnh.
Bạn cần lấy hành lý (nằm trên băng chuyền), rồi đi tiếp về phía cửa ra (Exit). Nếu bạn không có gì phải khai báo thì ra theo lối cửa có chữ “Exit”, còn nếu bạn có hàng hóa phải khai báo thì phải đi theo lối có chữ “Exit”. Trong cả 2 trường hợp, bạn luôn cầm sẵn bản kê khai để trình hải quan
Lưu ý:
Trước khi ra khỏi sân bay tại mỗi thành phố, bạn nhớ lấy bản đồ chỉ dẫn đưởng đi trong thành phố ở khu vực gần cổng ra.
Trong sân bay nước ngoài có các cửa hàng miễn thuế, những sản phẩm bày bán ở đây bảo đảm không phải hàng giả, không có thuế, khi mua bạn cần xuất trình hộ chiếu.
Bạn có thể đổi tiền tại các quầy (Money Changers/Currency Exchange) tại sân bay hoặc quầy đổi tiền hợp pháp (Licensed Money Changer) tại trung tâm mua sắm hay bất kỳ ngân hàng nào.
Nếu vẫn chưa sắp xếp được chỗ ở, quầy hướng dẫn của nước sở tại ngay sân bay sẽ giúp bạn sắp xếp nơi ở tại khách sạn.

Ngoài ra bạn đừng quên:
Tìm dấu hiệu của người đón và kiên nhẫn đứng chờ tại sân bay như đã được hướng dẫn.
Bạn cần chuẩn bị tinh thần cho những tình huống không mong đợi, như trường hợp vẫn không gặp được người đón, bạn nên:
Gọi số điện thoại khẩn cấp như đã được hướng dẫn, báo cho trường biết bạn đã đến nơi và chỗ bạn đang đứng chờ tại sân bay, và làm theo hướng dẫn của trường. Bạn có thể gọi điện thoại miễn phí trong sân bay. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải nghe và nói được tiếng Anh tương đối.
Nếu không liên lạc được bằng điện thoại, bạn sẽ đi taxi về chỗ ở theo địa chỉ đã được cung cấp cho bạn trước khi lên đường. Nên đi taxi trong khu vực sân bay chứ không phải taxi bên ngoài.
Mua thẻ SIM để dùng với điện thoại di động. Ngoài ra, bạn cũng nên mua thẻ điện thoại để gọi quốc tế rẻ hơn (bạn có thể mua ngay tại sân bay).
Mở tài khoản ngân hàng (nhà trường sẽ hướng dẫn)
Liên lạc ngay với cha mẹ hoặc người thân khi báo đến nơi an toàn.
Trình diện tại Văn phòng sinh viên Quốc tế của trường ngay sau khi bạn đến nơi (trong vòng 7 ngày sau khi đến nơi nếu chưa đến ngày nhập học, hoặc ngay hôm sau nếu đã đến ngàu nhập học) và để xác nhận lại thông tin chi tiết về chương trình học và các hoạt động khác như chương trình định hướng. Khi đi bạn nhớ mang theo hộ chiếu và giấy tờ liên quan. Để nhận Thị thực, bạn cần phải trình Thư chấp nhận, bản gốc hộ chiếu, phiếu Xuất nhập cảnh màu trắng, kết quả kiểm tra sức khỏe, lệ phí xin thị thực sinh viên, mẫu đơn 16.
Đăng ký tham gia các buổi hướng dẫn thông tin cho sinh viên do trường tổ chức.
Lấy thẻ sinh viên và thẻ ưu đãi giảm giá khi sử dụng phương tiện công cộng, khi mua vé máy bay trở về Việt Nam hoặc bay trong nước.

3.2 Học tập:

Ngay khi đến nước ngoài, bạn đừng quên:

Các trường có 1 ngày khai giảng cho tất cả các khoa/lớp. Vào ngày này, các bạn sẽ đăng ký thủ tục nhập trường, được giới thiệu khoa/lớp và biết thời khóa biểu.
Đi đúng campus trong thư nhập học của mình và mang theo các giấy tờ để trình diện (offer, eCOE, visa, ảnh 4×6).
Được hướng dẫn làm bảo hiểm Y tế (OSHC), làm thẻ sinh viên, thẻ thư viện, mở tài khoản ngân hàng hoặc hướng dẫn liên hệ các phòng ban hỗ trợ sinh viên.
Những điều cần chuẩn bị cho việc học:

Đến lớp đúng giờ
Ngồi phía trên của lớp
Ghi chú, đọc lướt qua các chủ đề và tóm tắt lại bài học
Không nên ngần ngại hỏi giáo viên nếu bạn không hiểu bài
Nên phát biểu trong lớp và đặt câu hỏi
Nói chuyện ngay với thầy giáo khi bạn gặp khó khăn trong lớp học
Chuẩn bị bài trước khi đến lớp
Học tập đều đặn, không học dồn, đợi đến phút cuối mới học
Có không gian học tập riêng biệt. Khi học phải tắt TV, radio
Phải làm bài tập và công việc được giao đúng thời hạn
Phân chia thời gian hợp lý cho việc học, chơi, nghỉ ngơi và ngủ
Kết bạn để trau dồi Anh ngữ và kinh nghiệm học tập
3.3 Hòa nhập cuộc sống

Làm quen với những hình thức ở nước ngoài như: phương tiện công cộng, ngân hàng, thủ tục gia hạn visa, quyền lợi bảo hiểm y tế, quy định ký túc xá hoặc homestay tại nơi bạn ở.
Đặc biệt với hình thức homestay – một hình thức cư trú phổ biến của các sinh viên quốc tế, các bạn nên lưu ý những điều sau:
Hòa nhập:

Tham gia các buổi trò chuyện và sinh hoạt trong gia đình, tôn trọng sinh hoạt thông lệ của gia đình. Nên nhớ “nhập gia tùy tục”.
Bạn nên tỏ ý muốn giúp làm những công việc nhà.
Luôn cẩn thận với đồ đạc/tài sản trong nhà, nhớ xin phép khi muốn mời bạn bè đến nhà và nhớ trả những khoản chi tiêu riêng: điện thoại, internet…
Đi chơi:
Xin phép gia đình trước khi đi chơi, cho họ biết bạn đi đâu, với ai và khi nào về, trở về trước giờ đã thỏa thuận. Bạn nên điện thoại báo tin nếu bạn về trễ.
Đừng tắt điện thoại di động.
Không đưa thông tin cá nhân của bạn cho người lạ.
Khóa cửa nhà và cửa sổ cẩn thận trước khi ra ngoài.
Ngủ lại qua đêm:
Phải có sự đồng ý của gia đình bản xứ.
Du lịch trong dịp hè: Bạn phải điền đơn lữ hành (travel request form) và phải được sự chấp thuận của trường học và gia đình bản xứ.
Tiền thuê nhà/phòng:
Khi mới đến, đóng tiền thuê nhà/phòng 2 tuần
Đóng tiền thuê đúng hạn, hai tuần 1 lần
Ghi ngày hạn đóng tiền vào sổ nhật ký
Khi nghỉ hè, bạn vẫn đóng một khoảng phần tiền thuê nhà/phòng.
Những điều khác cần ghi nhớ :
Luôn mang theo địa chỉ, số điện thoại trường và chỗ ở để phòng đi lạc trong những ngày đầu.
Thời gian đầu có thể bạn chưa nghe và hiểu rõ tiếng Anh khi giao tiếp với người bản xứ, cũng đừng quá lo lắng. Nên nhớ ở đó không ai cười khi bạn nói tiếng Anh chưa tốt. Ngoài giờ học Anh ngữ, hãy cố gắng luyện tập tại lớp, trường, trung tâm tự học của trường, tập nghe đài xem tivi, đọc báo.
Nếu cần được giúp đỡ, bạn nên chủ động tìm sự giúp đỡ bằng cách hỏi thông tin tại trường, nhà người bản xứ… Nên nhớ “Đường đi trong cửa miệng” không ai tự ý hỏi thăm hay giúp đỡ bạn nếu bạn không lên tiếng.
Quan trọng nhất là bạn phải chủ động trò chuyện, giao tiếp với thầy cô giáo, bạn học là sinh viên quốc tế hoặc bản xứ để thực hành tiếng Anh. Nếu ngày nào bạn cũng chăm chỉ đến lớp học Anh ngữ nhưng không chịu mở miệng nói chuyện bằng tiếng Anh với ai hết thì bạn sẽ không thể nào tiến bộ. Nên nhớ ở Úc không ai cười bạn khi bạn nói tiếng Anh chưa tốt.
Không nên về nhà trễ vào buổi tối.
Không nên ở những nơi vắng vẻ, thiếu ánh sáng để tránh rắc rối, bạn không nên cho ai mượn tiền và cũng không mượn tiền của ai.
Luôn cố gắng suy nghĩ tích cực và lạc quan để vượt qua những khó khăn ban đầu.

Tin Liên Quan